Mục đích của quá trình nhũ hóa
1. Chế biến
Trong một số trường hợp, quá trình nhũ hóa có mục đích xử lý nguyên liệu để hỗ trợ cho các quá trình sản xuất tiếp theo được thực hiện tốt hơn. Ví dụ, trong công nghệ sản xuất sữa tiệt trùng, quá trình đồng hóa có thể được thực hiện trước quá trình tiệt trùng. Khi đồng hóa, các hạt cầu béo sẽ được xé nhỏ và phân bố đều trong pha liên tục. Biến đổi này làm tăng hệ số truyền nhiệt của sữa. Do đó quá trình tiệt trùng sữa đã qua đồng hóa sẽ diễn ra tốt hơn. Cần lưu ý là quá trình đồng hóa trong sản xuất sữa tiệt trùng có nhiều mục đích công nghệ khác nhau. Một trong những mục đích công nghệ đó là chuẩn bị cho quá trình tiệt trùng.
2. Bảo quản
Đồng hóa sẽ làm tăng độ bền của các thực phẩm dạng nhũ tương và huyền phù. Nhờ đó, thời gian bảo quản sản phẩm sẽ gia tăng.
Ví dụ: trong công nghệ sản xuất các sản phẩm nhũ tương như sữa cô đặc, mayonnaise, hoặc các sản phẩm huyền phù như nước trái cây dạng đục,… quá trình đồng hóa có mục đích là bảo quản.
3. Hoàn thiện
Đồng hóa làm phân bố đều các hạt thuộc pha phân tán trong pha liên tục của nhũ tương và huyền phù. Do đó, độ đồng nhất của sản phẩm sẽ gia tăng, đồng thời cải thiện một số chỉ tiêu cảm quan như trạng thái, vị…
Ví dụ: trong công nghệ sản xuất sữa đậu nành, đồng hóa sẽ làm cho sản phẩm trở đồng nhất. Mục đích công nghệ của quá trình là hoàn thiện sản phẩm.